Theo Wikipedia, S1mp3 là loại máy chơi nhạc số được làm tại Trung Quốc, nhà sản xuất gốc là GEMBIRD (Gembird Tech) và họ đã bán cho ít nhất 24 hãng khác với nhiều nhãn hiệu và các kiểu dáng khác nhau, một vài phiên bản có thể xem được file video và được xem như là một máy MP4.
Trên thị trường, nhất là tại Việt Nam, các loại máy S1mp3 khá thông dụng, nhờ đa dạng về kiểu dáng, dung lượng và đặc biệt giá cả rất mềm. Nếu biết cách mua, bạn có thể sở hữu một chiếc máy MP3 hay MP4 với dung lượng lên đến hàng gigabyte mà giá không đến 100 USD. Về kiểu dáng, chỉ cần đếm sơ tôi đã thấy có hơn 15 kiểu khác nhau, thông dụng nhất có lẽ là loại máy dạng thanh dài, có đầu cắm USB trực tiếp và dùng một viên Pin AAA (hình 1); có cả kiểu máy "nhái" iPod nano nổi tiếng của hãng Apple (hình 2), tuy nhiên nếu một lần dùng qua hai loại máy này bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự khác biệt, cho dù firmware của máy nháy có được "độ” lại cho giống với giao diện của Ipod.
Một số đặc điểm của dòng máy này:
- Bộ nhớ: sử dụng chip nhớ NAND flash, có dung lượng từ 64MB đ 4GB.
- Màn hình: sử dụng màn hình đen trắng (hiển thị được hai dòng text), hoặc màn hình OLED hay màn hình LCD 65K màu ( kích thước 1,5-1,8 inch, tùy nhà sản xuất)
- Chức năng: một vài tính năng không có ở một số loại máy.
• Nghe nhạc định dạng mp3, wma, ogg, mpg; hiển thị ID3 tags
• Hiển thị thông tin cá nhân (tính năng contact): tên, địa chỉ, e-mail, số điện thoại...
• Nghe đài FM
• Ghi âm, FM.
• E-book: hiển thị nội dung các file text (*.txt)
• Photo: hiển thị các file ảnh JPG, GIF.
• Movie: xem video với định dạng AMV, MTV, DMV, MPV.
• Hiển thị lời bài hát (nhấn giữ phím mode lúc đang chơi nhạc) dùng file *.lrc có tên trùng tên file nhạc.
• Chỉnh equalizer (Normal/Rock/Pop/Classic/Soft/Jazz/DBB), chế độ lặp bài hay lặp đoạn, tốc độ chạy nhạc.
- Giao tiếp: giao tiếp với máy tính bằng cổng USB thông qua dây cáp hay đầu cắm trực tiếp.
- Nguồn: sử dụng pin AAA hay pin sạc Lithium.
Thông thường, máy nghe nhạc thuộc dòng S1mp3 có kèm theo một đĩa chứa driver USB cho Windows 98 và chương trình MP3 Player Utilities, trong đó có chương trình dùng để cập nhật firmware cho máy. Nếu lên trang web của nhà sản xuất bạn sẽ hiếm khi thấy được mục cho tải về firmware, đó là vì firmware thường chỉ được làm cho phù hợp với một dòng máy nhằm tiết kiệm chi phí hay các yếu tố khác. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ kiếm dược vài trang web chứa hàng trăm loại firmware cho nhiều kiểu máy. Hơn thế nữa, bạn còn có thể tải về các chương trình có thể can thiệp vào các firmware này. Nếu có một chiếc máy S1mp3 trong tay và sẵn sàng "mạo hiểm", bạn hãy cùng tôi thực hiện các công việc dưới đây để "thể hiện dấu ấn cá nhân" trên chiếc máy của mình.
Cácchương trình cần thiết:
- S1res
- S1fwx
- MP3 player Utilities (công cụ MP3 player Upgrade Tool).
Tất cả chương trình trên có thể tải về từ hai trang web www.s1mp3.org và www.mympxplayer.org. Ngoài ra, hai trang web trên còn nhiều chương trình rất hữu ích khác.
Bước 1: Sao lưu firmware của máy
Công việc của chúng ta tương đối mạo hiểm vì vậy cần phải sao lưu mọi thứ trước khi bắt tay vào việc.
- Bạn giải nén chương trình S1fwx, sau đó vào thư mục của chương trình chạy tập tin extract.bat
- Tại cửa sổ của chương trình, nhấn Enter để tiến hành quét các thiết bị có trong máy.
- Nhập tên ổ đĩa chiếc máy của bạn (nằm giữa hai dấu <>, sau dòng "Detected Drives").
- Chờ trong chốc lát để chương trình tiến hành đọc ổ đĩa flash của bạn và ghi firmware của máy lên đĩa.
- Sau khi chương trình chạy xong, bạn nhấn Enter để đóng chương trình, lúc này ở thư mục chứa chương trình sẽ có một tập tin mới tên là "dump.bin", đó chính là tập tin firmware.
- Tuy nhiên, công việc chưa xong. Tiếp theo, bạn hãy chạy tập tin repair.bat cũng nằm trong thư mục chương trình S1fwx để kiểm tra lại tập tin dump.bin, bảo đảm firmware của bạn ở tình trạng tốt. Sau khi quá trình kiểm tra kết thúc, bạn sẽ thấy xuất hiện thêm tập tin dump.bi$, nhưng bạn không cấn để ý đến nó, cái mà chúng ta cần là tập tin dump.bin.
Bước 2: Tải về firmware mới hay chỉnh sửa firmware hiện có
- Nếu trên trang web của nhà sản xuất không có mục cập nhật firmware cho chiếc máy MP3 của bạn, thì bạn có thể lên hai trang web trên để tìm và tải về các firmware phù hợp với máy của mình. Đa số các firmware trên hai trang web này đều do các người dùng khác tải lên nên rất đa dạng. Trang web www.mympxplayer.org có phân loại firmware theo kích cỡ màn hình (1,2", 1,5"...) - chủ yếu dành cho các loại máy xem MP4, còn trang web s1mp3 lại phân loại theo kiểu máy, vì vậy bạn cần nắm rõ kiểu máy của mình trước khi tải về (xem "các kiểu máy S1mp3 player").
- Việc dùng các firmware tải về không phải lúc nào cũng thành công (việc này sẽ được đề cập sau), nhưng việc chỉnh sửa lại firmware gốc của máy thường cho kết quả tốt đẹp.
Tại cửa sổ của chương trình, bạn chọn file>open, chọn tập tin firmware (*.bin) mà bạn muốn xem, nhấn nút open. Sau đó, bạn sẽ nhìn thấy chương trình hiển thị giống như trong hình bên. Khi chọn mục END.RES bạn sẽ thấy có 8 tên khác nhau từ B01 đ B08, mỗi tên chứa một hình ảnh tạo thành chuỗi hình ảnh liên tục lúc tắt máy. Tương tự đối với mục LOGO.RES, nhưng có tới 18 hình ảnh được hiển thị lúc mở máy. Còn phần icon trong mục UI30.RES chứa các hình ảnh trong máy như biểu tượng Music, Setting... Các phần còn lại chủ yếu để chứa các font chữ.
Khi chọn một chi tiết, ở cửa sổ bên phải sẽ xuất hiện các thông tin về nó. Nếu đó là hình ảnh, thì hình ảnh đó sẽ được hiển thị đúng kích thước thực ở góc trên bên trái, còn bên phải sẽ hiển thị độ phân giải của bức ảnh đó, kèm theo các nút chức năng để bạn hiệu chỉnh như Import, Export để nhập/xuất hình, nút Invert để đảo hình, các phím mũi tên để dịch chuyển, thanh zoom để phóng to/thu nhỏ hình. Lúc này, bạn có thể nhập các hình tương ứng cho mục mà bạn chọn, các hình này có thể tự tạo ra hay tải về, nhưng để hiển thị theo ý muốn thì chúng phải có độ phân giải đúng với ảnh trước đó. Bạn có thể tải về các hình hiển thị lúc khởi động, tắt máy hay các hình khác trên các trang web s1mp3.org hay mympxplayer.org; tại đó có rất nhiều hình ảnh đã được những người dùng khác tải lên chia sẻ cho mọi người cùng với những chú thích cần thiết.
Đặc biệt, nếu những hình ảnh mà bạn nhập vào đã có sẵn từ chú thích cho hình ảnh đó (VD: Music, Movie), thì bạn cần phải xóa các tên tương ứng tại mục mstring. Bạn dò tìm các tên tương ứng tại khung bên phải và chọn xóa nó (thường là tiếng Anh, còn các ngôn ngữ khác có thể không đụng đến).
Sau khi đã hoàn tất công việc chỉnh sửa, chọn File>Save hoặc Save as để lưu lại firmware đó, nên đặt một cái tên khác để dễ phân biệt sau này.
Bước 3: Cập nhật firmware mới cho máy
- Khi đã tải được firmware phù hợp (tập tin *.bin), bạn có thể tiến hành cập nhật ngay lập tức bằng công cụ Mp3 player Upgrade Tool. Nối máy MP3 với máy tính, khởi chạy chương trình Mp3 Player Upgrade Tool, để chương trình quét phiên bản firmware trong máy bạn, sau đó nhấn nút Select new firmware file, chọn mở tập tin firmware mà bạn muốn cập nhật, sau đó nhấn nút Begin Upgrading. Quá trình cập nhật firmware sẽ diễn ra, bạn có thể theo dõi quá trình cập nhật ở cửa sổ bên dưới. Sau khi cập nhật thành công, máy MP3 sẽ khởi động lại với firmware mới cập nhật, bạn hãy sử dụng xem thử firmware mới có hiệu quả hơn hay không.
- Một việc nữa mà tôi muốn nhắc đó là các bạn nên ghi nhớ cách để thay đổi ngôn ngữ trong máy (nằm trong mục Setting) vì khi cập nhật firmware xong, lúc khởi động lại, ngôn ngữ mà máy sẽ hiển thị là tiếng Trung Quốc, nếu bạn không am hiểu về ngôn ngữ này thì việc mày mò để hiển thị ngôn ngữ tiếng Anh sẽ hơi bị mất thời gian.
Đến đây, hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc là việc cập nhật như vậy có nguy hiểm hay không và ích lợi mà nó mang lại? Thứ nhất, việc sao lưu firmware sẽ rất có ích sau này nếu đột nhiên chiếc máy của bạn "trái tính" và có những hành động thất thường, việc cập nhật lại firmware có thể khắc phục sự cố này. Đối với các máy MP3 với màn hình OLED hay LCD đen trắng thì việc chỉnh sửa firmware này không mang lại ích lợi gì nhiều, nhưng đối với các máy có chức năng MP4 thì việc cập nhật này có thể mang lại cho máy một giao diện điều khiển hoàn toàn mới, hay thêm vào các chức năng mà máy không có (thường là Games), thêm vào đó, có thể sau này sẽ xuất hiện nhiều firmware mới có thêm nhiều tính năng cũng như làm cho việc sử dụng tiện lợi hơn, đến lúc đó bài viết này sẽ hữu ích cho bạn.
Còn về vấn đề an toàn cho máy, bản thân tác giả đã có kinh nghiệm hai lần cập nhật firmware không thành công. Ở lần thứ nhất, màn hình trở nên sáng quá mức, làm mờ đi các biểu tượng và giao diện chương trình bị đảo ngược 180 độ; còn ở lần thứ hai, màn hình trở nên tối đen và không thể thực hiện các chức năng của máy. Tuy nhiên, do đã sao lưu firmware gốc vào máy nên sau đó tôi đã có thể cập nhật lại firmware này và dùng lại bình thường.
Hy vọng qua bài viết này bạn có thể tự tạo một firmware mang phong cách cá nhân, hay nếu bạn đang có một chiếc máy MP3 bị hỏng firmware không sử dụng được, hãy tải về firmware tương thích với máy và tiến hành cập nhật, biết đâu chiếc máy của bạn sẽ được hồi sinh và lại tiếp tục phát ra những âm thanh ngọt ngào.
Bài viết có tham khảo thông tin và hình ảnh từ các địa chỉ www.Wikipedia.com, www.s1mp3.org và www.mympxplayer.org.
Nguyễn Thanh Minh
0 Comments:
Post a Comment
Subscribe to Post Comments [Atom]
<< Home